TP Hồ Chí Minh: Tăng cường kết nối hàng bình ổn thị trường với các bếp ăn tập thể (13/04/2018)

Chiều 12-4, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình bình ổn thị trường năm 2017 – Tết Mậu Tuất 2018 và triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019.

Theo kế hoạch bình ổn thị trường năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019, đối với 10 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, lượng hàng bình ổn trong các tháng thường chiếm 25% - 30% nhu cầu thị trường và chiếm 30% - 40% trong các tháng tết. Với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng gồm tập vở, cặp, ba lô, túi xách, đồng phục học sinh, giày, với lượng hàng bình ổn chiếm 35% - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố năm học 2018 – 2019.

Nhóm hàng sữa bột dành cho trẻ em, sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng và sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất, lượng hàng bình ổn chiếm 30% - 35% mức tiêu dùng của thị trường thành phố. Các doanh nghiệp tham gia và xây dựng giá bán, đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đảm bảo thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% - 10%; đối với các mặt hàng mùa khai trường thấp hơn thị trường 10% - 15%; đối với mặt hàng sữa đảm bảo giá bán hợp lý, ổn định và có tính dẫn dắt thị trường.

Trong trường hợp giá nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm 5% trở lên hoặc giá bán trên thị trường biến động giảm khiến giá bình ổn không đảm bảo tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5%, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán với Sở Tài chính, nhưng giá bán bình ổn vẫn phải đảm bảo tính hợp lý, góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang có 10.602 điểm bán hàng bình ổn. Trong đó, chương trình lương thực – thực phẩm có 4.027 điểm bán; hàng bình ổn mùa khai trường có 824 điểm bán; sữa có 1.569 điểm bán; dược có 4.182 điểm bán. Hệ thống phân phối trong chương trình liên tục phát triển theo chiều sâu, ngày càng hiện đại.

Siêu thị, cửa hàng bình ổn thị trường đã có mặt trên địa bàn 24 quận, huyện, xen kẽ trong khu dân cư, các chợ truyền thống, các khu chế xuất – khu công nghiệp, phục vụ kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt là người lao động nghèo, công nhân; góp phần xây dựng hạ tầng thương mại, hình thành hệ thống phân phối văn minh – hiện đại, hạn chế và loại dần các hình thức kinh doanh tự phát.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phản ánh nhiều vấn đề như kết nối với các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học; tăng cường nhiều hơn các chuyến bán hàng lưu động về khu công nghiệp – khu chế xuất thành phố….

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tích cực hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động này. Đặc biệt sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và hỗ trợ các doanh nghiệp bình ổn, đưa sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm kết nối vào các bếp ăn này, nhằm đảm bảo cung cấp bữa ăn ngon, giá rẻ cho công nhân, học sinh… trên địa bàn thành phố.

Theo Thuỳ Linh/hanoimoi.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
30
Tổng truy cập:
5793514