Thanh tra chuyên ngành ATTP đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước
Trước sức “nóng” về vấn đề an toàn thực phẩm, mới đây trong phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đề cập tới những vấn đề mà cử tri đang bức xúc, quan tâm, trong đó có nhấn mạnh tới vấn đề giám sát VSATTP.
Theo đó, hiện nay Việt Nam nằm trong nhóm 2 của bản đồ ung thư thế giới. Như vậy, mỗi ngày có khoảng 315 người chết vì ung thư, trong đó có 80% các bệnh ung thư do tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài và chế độ ăn uống. Nguyên nhân đứng đầu là thực phẩm bẩn chiếm 35%.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhận định: Thực phẩm bẩn đang giết mòn người dân Việt Nam, với những câu chuyện đau lòng thiếu giá trị đạo đức như, lượng hóa chất độc hại do tiêm, bơm, tẩm ướp với một số mặt hàng nông sản.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ ngành chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, để thực phẩm không còn bào mòn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Những thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới về bệnh tật của người Việt gần đây cần được xem như báo động đỏ.
Đơn cử tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020.
Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư. Chi phí cho chữa trị ung thư của người Việt chiếm khoảng 0,22% GDP, khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau 1 năm phát hiện bệnh.
Cùng với đó, mới đây báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng đã công bố bình quân mỗi người Việt đã chi tiền triệu để mua thuốc chữa bệnh hàng năm.
Cụ thể, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015 (37,97 USD).
Ngoài ra theo Tổ chức Y tế thế giới công bố trong năm 2017, trong số 541.000 ngươi tử vong tại tại Việt Nam hàng năm, tỉ lệ tử vong do ung thư chiếm tỉ lệ cao nhất…
Những con số biết nói ấy đã phần nào đã chỉ rõ hơn những hệ lụy của bệnh tật, có nguyên nhân sâu xa từ thực phẩm bẩn.
Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tăng cường giám sát sản xuất thực phẩm an toàn, Chính phủ và UBTƯMTTQ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đến năm 2020 vận động được ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm…
Chương trình cũng phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như đối với Ban Thường trực UBTƯMTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Trong năm 2017, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã cùng ký kết Chương trình phối hợp Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 – 2020.
Thủ tướng đã nhấn mạnh: Chính phủ đã và đang tiếp tục vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo cho người dân được sử dụng thực phẩm an toàn.
Nhằm khuyến khích người dân tham gia quá trình giám sát VSATTP, hiện một số địa phương đã có những quy định về việc thưởng “nóng” nếu như người dân phát hiện kịp thời và tố giác những cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn…
Nhiều nỗ lực nhằm loại bỏ thực phẩm bẩn khỏi thực đơn của người tiêu dùng, trên mâm cơm mỗi gia đình cũng đã được triển khai, nhưng xem ra công cuộc đấu tranh với thực phẩm bẩn vẫn còn quá nhiều thách thức.
Ghi nhận trên thực tế vẫn còn dấu hiệu buông lỏng quản lý ATVSTP.
Thịt gà bốc mùi hôi thối, nội tạng heo, bò không rõ nguồn gốc, thịt lợn bị tiêm thuốc an thần... là những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn vừa được các cơ quan quản lý phát hiện, bắt giữ chỉ trong tháng 3/2018 vừa qua.
Thực phẩm bẩn đang bủa vây người Việt, từ món ăn nhanh đến món ăn chín, món tráng miệng đến món chính, từ bữa sáng đến bữa tối, nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn lúc nào cũng rình rập.
Minh chứng rõ nhất là thông tin về những vụ ngộ độc tập thể tại trường mầm non, ngộ độc tại bếp ăn của các khu công nghiệp…. vẫn được phản ánh thường xuyên trên các phương tiện thông tin.
Nhằm siết giám sát ATVSTP, mới đây nhất Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế.
Chủ trương này xuất phát từ hiệu quả sau 1 năm thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP tại hai địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Việc thí điểm thời gian qua cho thấy, thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, xã đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; huy động được nguồn lực trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực ATTP, khi đã tăng về số vụ phát hiện sai phạm và số tiền phạt; ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tốt hơn.
Nói chính xác hơn, việc trao quyền thanh tra ATVSTP cho cơ sở vừa góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATVSTP, vừa nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh. Trong đó người dân cũng được trao quyền, trao trách nhiệm để bảo vệ chính sức khỏe và cuộc sống của họ.
Theo Thái An/daidoanket.vn