Hai kịch bản
PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế thương mại cho rằng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam của cơ quan chức năng Quảng Tây (Trung Quốc) lẽ ra phải được thực hiện từ nhiều năm trước.
Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm bảo đảm cho một môi trường giao thương lành mạnh, chính ngạch.
Hoa quả Trung Quốc khó truy xuất nguồn gốc. Ảnh: VOV
Thực tế, tại Việt Nam do thói quen làm ăn dễ dãi, chụp giật, thích buôn bán tiểu ngạch nên việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã bị xem nhẹ, kể cả với hoa quả nhập về từ Trung Quốc lẫn cả hoa quả xuất đi từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc Trung Quốc đột ngột đưa ra yêu cầu đòi truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng hoa quả được nhập khẩu từ Việt Nam cho thấy có hai khả năng.
Khả năng thứ nhất, có thể họ muốn đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn so với các sản phẩm trước đây. Yêu cầu trên buộc doanh nghiệp cũng như sản phẩm của Việt Nam phải tự thay đổi, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật do họ đặt ra trước khi đưa được hoa quả vào thị trường Trung Quốc.
Với khả năng này, sẽ buộc các doanh nghiệp sản xuất hoa quả trong nước phải thay đổi tư duy, cách thức làm ăn, không thể tiếp tục sản xuất kiểu có gì bán nấy, giá nào cũng bán như trước đây nữa. Như vậy, nếu phía Việt Nam làm được thì sẽ là cơ hội nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khó tính.
Tuy nhiên, cả phía Trung Quốc và Việt Nam đều hiểu rằng, để thay đổi được ngay tức khắc theo các tiêu chuẩn, yêu cầu mà nước bạn đưa ra là rất khó. Vì vậy, PGS Nguyễn Văn Nam lại cho rằng cần phải để phòng với khả năng thứ hai.
"Cần phải nghĩ tới kịch bản: Khi thị trường Trung Quốc đã bão hòa, nguồn cung hoa quả bị dư thừa thì có thể đây là chiêu trò để Trung Quốc hạn chế dần nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam.
Với cách thức quen thuộc như đưa ra các tiêu chuẩn rất khó mà biết chắc các doanh nghiệp Việt không thể đáp ứng được. Với chiêu thức này, thương lái Trung Quốc có thể đứng sau gây sức ép, thao túng thị trường, buộc doanh nghiệp Việt quay lại xuất khẩu qua tiểu ngạch để ép giá.
Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý Việt Nam phải nghiêm túc nhìn nhận các khả năng có thể xảy ra để có biện pháp ứng xử cho phù hợp", PGS Nguyễn Văn Nam khuyến cáo.
Theo vị chuyên gia, phía cơ quan quản lý Việt Nam có thể tham khảo, đàm phán với cơ quan quản lý phía Quảng Tây (Trung Quốc) để thống nhất một lộ trình thực hiện cụ thể, bảo đảm đủ thời gian cho doanh nghiệp thích nghi với các thay đổi mới.
"Không thể để tình trạng dưa hấu, vải, nhãn, thanh long ùn ùn kéo lên cửa khẩu rồi không cho thông quan, đòi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, buộc doanh nghiệp phải bán đổ, bán tháo hoặc đổ bỏ", ông Nam nói rõ.
Nhập khẩu "vác vai", khó truy xuất nguồn gốc
Trước câu hỏi Việt Nam có thể thực hiện yêu cầu đòi truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả cũng như hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam không?
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại thẳng thắn: "Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều vận chuyển bằng container, trong khi hàng hóa Trung Quốc được nhập về Việt Nam lại chủ yếu thông qua "cửu vạn", "vác vai", nhập qua buôn lậu, tiểu ngạch... Ở đây là công tác quản lý giao thươngbiên mậu đang bị buông lỏng, là lỗi của phía Việt Nam.
Nếu giao thương, buôn bán không thông qua con đường chính ngạch, hàng hóa chuyển về nước lén lút, không đàng hoàng thì làm sao yêu cầu được nước bạn phải truy xuất nguồn gốc?", vị PGS hỏi ngược.
Trung Quốc đòi truy xuất rau, quả: Cảnh giác 'chiêu xấu'
Đây cũng là lý do, PGS. TS Nguyễn Văn Nam lý giải cho hiện tượng táo, lê để từ 6-9 tháng không hỏng nhưng vẫn không thể có được câu trả lời: "người ăn vào có an toàn hay không"?.
Ông cho biết, cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp khẳng định, không nguy hại, đảm bảo an toàn nhưng lại không thể giải tỏa được tâm lý sợ hãi, thiếu lòng tin của người tiêu dùng.
"Khẳng định an toàn nhưng lại không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ táo, lê đó nhập từ đâu. Thậm chí, cũng không thể biết được sản phẩm đã được ngâm, tẩm những chất bảo quản gì?
Dù có rất nhiều nghi vấn nhưng cũng không thể yêu cầu nước bạn phải giải trình hay phải chịu trách nhiệm.
Tất cả là do hàng hóa được nhập về theo con đường tiểu ngạch, không được kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, do đó khi xảy ra sự cố không biết hỏi ai, truy trách nhiệm cho ai", PGS Nam nói.
PGS Nguyễn Văn Nam cho rằng, nhân việc phía Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả Việt Nam, phía Việt Nam cũng phải siết chặt công tác quản lý đối với các mặt hàng được nhập về từ nước này.
Theo ông, để xảy ra tình trạng trên là do lâu nay vẫn có tình trạng né tránh, bao che, thậm chí có một phận quản lý đang dung túng cho những hoạt động buôn lậu, các hoạt động mang vác hàng hóa nhỏ lẻ qua biên giới. Tình trạng trên phải được xử lý triệt để, nghiêm minh đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế, tiến tới chấm dứt thực hiện giao thương theo con đường biên mậu.
Vì giao thương biên mậu luôn gắn với các rủi ro. Rủi ro trước hết là Trung Quốc luôn thay đổi chính sách thường xuyên "bất thình lình", đặt Việt Nam ở thế bị động và không thể đối phó kịp thời. Hay việc Trung Quốc cũng thay đổi đột ngột các quy định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến doanh nghiệp Việt Nam rơi vào thế bị động.
Theo Lam Nguyên/baodatviet.vn