Hiệu quả kết nối cung - cầu (16/03/2018)

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức được nhiều hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, tạo nguồn cung với giá cả ổn định cho thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.


Kết nối cung – cầu phục vụ người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua mỗi năm triển khai Hợp tác cung - cầu giữa TP với các địa phương, quy mô, hiệu quả của chương trình ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp (DN) và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng tăng lên.

Cụ thể năm 2015, hội nghị kết nối cung - cầu có 15 địa phương tham gia, ký kết được 43 hợp đồng; Năm 2016, tổng cộng đạt được 394 hợp đồng, với 23 địa phương tham gia; Năm 2017, tổng cộng đạt được 430 hợp đồng, có 38 địa phương tham gia, ký kết 347 hợp đồng…

Tính đến nay, tổng cộng đã có gần 1.000 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, trong đó có 886 hợp đồng đã được triển khai thực hiện và 79 hợp đồng đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng hóa các tỉnh, thành trị giá trên 13.500 tỷ đồng và cung ứng cho các tỉnh, thành trên 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh năm ngoái đã kết nối với hơn 30 tỉnh thành trong cả nước, nhằm cung cấp đủ hàng hóa đạt an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân thành phố.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đến nay hàng hóa cung ứng trong chuỗi hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được quản lý bảo quản và phân phối theo quy trình kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm. Các sản phẩm phân phối chủ yếu là những sản phẩm sản xuất và cung ứng từ các DN bình ổn thị trường và DN được Sở Y tế cấp chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

Quá trình triển khai của các sở, ngành và nỗ lực của các DN TP trong khâu tổ chức sản xuất và thử nghiệm phân phối sản phẩm VietGAP, tính đến cuối năm 2017 TP đã có hơn 800 địa điểm phân phối sản phẩm đạt chuẩn an toàn.

Hiện nay, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hướng dẫn điều kiện địa điểm phân phối thực phẩm an toàn; đảm bảo các tiêu chí như nguồn hàng thực phẩm an toàn, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người trong kinh doanh thực phẩm, có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Trong thời gian tới sẽ tích cực vận động các DN, cơ sở kinh doanh tham gia chuỗi thực phẩm và mạng lưới địa điểm phân phối thực phẩm đạt chuẩn an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức DN, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá: Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa đã phát huy được hiệu quả tích cực, từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua chương trình kết nối cung- cầu, hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP đã tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp có uy tín, các sản phẩm chất lượng, các sản phẩm làng nghề, hàng đặc sản góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn TP Đồng thời hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô.

Theo Hồng - Lịch/daidoanket.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
70
Tổng truy cập:
5793514