TS. Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu khai mạc Hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện là thành viên của Ủy ban Codex Việt Nam; đại diện các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Tổng cục TCĐLCL; Trưởng các Ban kỹ thuật Codex Việt Nam và các thành viên đầu mối Codex tại các Bộ, Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Hội nghị đã nghe bà Nguyễn Thị Minh Hà, Phó giám đốc Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động của Ủy ban Codex Việt Nam năm 2017, phương hướng hoạt động năm 2018.
Quang cảnh Hội nghị
Theo bà Hà, kết quả hoạt động năm 2017 của Ủy ban Codex Việt Nam được thể hiện rõ nét ở việc đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ:
1) Tham gia xây dựng các văn bản pháp luật: Tư vấn và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN) trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ghi nhãn sản phẩm thực phẩm; quản lý và sử dụng các sản phẩm phụ gia thực phẩm; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; phân tích vi sinh vật trong thực phẩm, dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm; sản phẩm thức ăn công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ,…)
2) Tham gia góp ý các Dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế: Dự thảo soát xét tiêu chuẩn Codex về sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ; Hướng dẫn kiểm soát histamin ở bước 3 của Ban kỹ thuật Codex quốc tế về vệ sinh thực phẩm (CCFH); xây dựng các yêu cầu kỹ thuật đối với gừng khô hoặc gừng sấy khô; xem xét việc sử dụng phụ gia thực phẩm Nitrat và Nitrit; soát xét tài liệu “Các nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm” – phần Phụ lục HACCP của Codex;…
3) Ủy ban Codex Việt Nam duy trì và đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn Codex trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về thực phẩm, tầm quan trọng của hài hòa và hội nhập tiêu chuẩn trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất thực phẩm trong nước và xuất khẩu; tổ chức và tham gia các khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo trong nước về các vấn đề tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm…
4) Tổ chức 12 đoàn tham dự các cuộc họp Codex quốc tế với sự tham gia của 52 đại biểu đến từ các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Công Thương và một số doanh nghiệp liên quan có tham gia tích cực vào các cuộc họp các Ban kỹ thuật và Hội nghị Codex quốc tế…
5) Biên dịch các tài liệu, văn bản tiêu chuẩn Codex và phát hành ấn phẩm phục vụ các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về thực phẩm.
Sau khi nghe báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017, phương hướng hoạt động năm 2018, các đại biểu đại diện cho các Bộ, ban ngành và doanh nghiệp đã dành nhiều thời gian để thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp để Ủy ban Codex Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của năm 2018.
Ý kiến của các đại biểu tập trung vào một số vấn đề: kiện toàn về tổ chức của Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam; đẩy mạnh tổ chức để phát huy sự đóng góp của các thành viên trong Ủy ban; tăng cường truyền thông qua trang web và qua thư điện tử; các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các Hiệp hội thực phẩm cần tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động của Ủy ban… Ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp và bổ sung vào kế hoạch, phương hướng hoạt động của Ủy ban Codex Việt Nam năm 2018.