Các đội tham gia hội thi nhận cờ lưu niệm của Ban tổ chức
Hội thi có sự tham gia của 14 đội đến từ các HTX và các hộ nuôi ong khai thác mật hoa bạc hà đại diện của 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn, đây là các địa phương thuộc vùng chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn.
Mỗi đội phải trải qua 4 phần thi, bao gồm lý thuyết, hai phần thi thực hành và phần thi trang trí gian hàng. Trong đó, phần thi lý thuyết gồm những câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến hiểu biết của người nuôi ong khai thác mật về kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khai thác mật; phần thi thực hành gồm phần phân biệt 3 loại mật nhãn, keo tai tượng, bạc hà; thực hành xác định thủy phần và đánh giá cảm quan về chất lượng mật ong bạc hà. Phần thi trang trí gian hàng trưng bày sản phẩm mật ong bạc hà và các sản phẩm đặc thù khác của đồng bào vùng Cao nguyên đá.
Ban giám khảo Hội thi gồm 8 thành viên đến từ các cơ quan: Sở KH&CN, Chi cục Thú y, Chi cục TCĐCL, Sở Y tế, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang; Trung tâm nghiên cứu ong (Viện Chăn nuôi), Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện An toàn thực phẩm (FSI) thuộc VinaCert đã thực hiện việc chấm thi nghiêm túc, bảo đảm tính khách quan, trung thực và chính xác.
Trong phần thi lý thuyết, mỗi đội có 10 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm. Sau phần thi, Ban Giám khảo còn đưa ra những tình huống cụ thể liên quan đến các lĩnh vực sinh học, chọn tạo giống, kỹ thuật quản lý đàn ong khai thác mật và bảo quản mật ong sau khai thác.
TS. Lê Quang Trung (bên trái) điều khiển phần thi thực hành phân biệt một số loại mật ong
Điểm nổi bật của Hội thi là phần thi thực hành phân biệt một số loại mật ong. Tại phần thi này, mỗi đội cử 1 người dự thi, dựa vào màu sắc, nếm vị, ngửi mùi, độ sánh, độ đặc… để xác định đâu là mật bạc hà, mật nhãn hay mật keo tai tượng.
Sau phần thi, TS. Lê Quang Trung (Phó viện trưởng Viện An toàn Thực phẩm thuộc VinaCert), nhận xét: Đây là phần thi khó, nhiều đội còn nhầm lẫn giữa mật keo tai tượng với mật nhãn hoặc mật nhãn với mật bạc hà.
“Để phân biệt được chính xác các loại mật ong, nhất là các loại có màu sắc và hương vị tương đối giống nhau thì kinh nghiệm dựa vào cảm quan là chưa đủ mà phải xác định được tính đặc thù của từng loại mật ong bằng cách phân tích ở phòng thử nghiệm, sau đó sử dụng chúng như những chỉ thị để phân biệt từng loại mật ong”, TS. Trung kết luận.
Sau phần thi đánh giá chất lượng mật ong, bao gồm việc xác định thủy phần mật ong và đánh giá cảm quan, màu sắc, độ ngọt mát, độ trong và mùi đặc trưng của mật bạc hà, Ban tổ chức còn chấm điểm trang trí cho từng gian hàng.
Cao nguyên đá Đồng Văn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, kỳ thú, có nhiều sản phẩm đặc trưng được thể hiện tại 14 gian hàng của 14 đội tham gia Hội thi. Điểm nổi bật tại các gian hàng là sản phẩm mật ong bạc hà nổi tiếng của vùng Cao nguyên đá.
Với sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, phần thi trang trí gian hàng đã thu hút rất đông người dân và khách du lịch tham quan, mua sắm các sản phẩm mật ong. Qua đó, tăng cường kết nối giữa cung và cầu; hỗ trợ tích cực cho việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm mật ong bạc hà.
Mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng văn đặc sánh, có màu từ vàng chanh đến xanh nhạt, được truyền miệng là sản phẩm có giá trị y học cao, được bán với giá từ 300 đến 500.000đ/lít, cao nhất trong thị trường nội địa của nước ta.
|
Chiều cùng ngày, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học Ứng dụng công nghệ và các giải pháp quản lý nâng cao chất lượng mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tham luận 6 chuyên đề: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng mật ong bạc hà; giá trị đặc thù của mật ong bạc hà mang chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc; thực trạng và xu hướng phát triển nghề nuôi ong mật trên Cao nguyên đá Đồng Văn; kết quả phát triển đàn ong nội địa phương gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu cây bạc hà trên Cao nguyên đá Đồng Văn; vai trò của Hội và Hiệp hội trong sản xuất quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc dùng cho mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang; định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật ong bạc hà của huyện Mèo Vạc…
Tham luận về các giá trị đặc thù mật ong bạc hà mang chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc, TS. Lê Quang Trung (FSI thuộc VinaCert) cho biết, trong mật ong có khoảng 200 chất khác nhau, chủ yếu là đường đơn fructose và glucose (70–75%); nước (18–19%); đạm và axit amin (0.1–0.4%) quyết định giá trị dinh dưỡng của mật ong. Hầu hết các loại mật ong đều có 02 nhóm chất chống ô xy hóa (phenolic và flavonoids) và 01 nhóm chất kháng khuẩn (1,2-dicarbonyl), thể hiện giá trị đặc thù và quyết định vai trò y học của mật ong.
Theo nhiều công bố trên thế giới, tính đặc thù của mật ong phụ thuộc vào nguồn hoa ong thu mật về. Mật ong từ các nguồn hoa khác nhau, mọc ở các vùng địa lý khác nhau có tỷ lệ các chất kháng khuẩn và chống ô xy hóa không giống nhau.
Việc xác định giá trị đặc thù của các loại mật ong khác nhau là cơ sở để truy xuất nguồn gốc mật ong và là cơ sở để ngăn chặn mật giả, ngăn ngừa tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ong, góp phần khẳng định thương hiệu mật ong bạc hà mang chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” ở thị trường trong nước và quốc tế.
Hội thi sản phẩm mật ong bạc hà và Hội thảo khoa học Ứng dụng công nghệ và các giải pháp quản lý nâng cao chất lượng mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang là sân chơi bổ ích cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật ong bạc hà có thêm cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm về nghề nuôi ong. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng có thêm những kiến thức bổ ích để nhận biết đâu là sản phẩm mật ong bạc hà.