Tạo đột phá trong thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (30/10/2017)

Từ ngày 16-27/10, tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) và Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Viện Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành y tế (ĐH Y tế Công cộng) tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cho các tuyến quận, phường của TP. Hà Nội.

Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên, thông qua những lớp đào tạo này, thanh tra viên tại các địa phương sẽ được nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra chuyên ngành và quản lý tốt lĩnh vực ATTP vì sức khỏe và quyền lợi của cộng đồng…

Bổ sung nhân lực có chuyên môn cho thanh tra lĩnh vực ATTP

Tham gia khóa học lần này có hơn 50 cán bộ, viên chức thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội tại các quận, phường. Khóa học diễn ra trong 10 ngày (từ 16/10 đến 27/10). Chương trình đào tạo gồm các nội dung như hướng dẫn quy trình thanh tra chuyên ngành ATTP, hướng dẫn thực hiện các quyền trong thanh tra ATTP, hướng dẫn thanh tra các quy định về công bố, ghi nhãn sản phẩm thực phẩm, về quảng cáo thực phẩm, các điều kiện chung bảo đảm ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hướng dẫn thanh tra ATTP tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và lễ hội, quy định về lấy mẫu phục vụ thanh tra, kiểm tra ATTP, hướng dẫn nội dung thanh tra chuyên ngành ATTP thuộc lĩnh vực Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương quản lý...

Theo ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục ATTP, sau khóa học này, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành và được tham gia các đoàn thanh tra về ATTP. Ban tổ chức cũng sẽ mở rộng các khóa học này trên toàn bộ địa bàn Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình kiểm tra, thanh tra về lĩnh vực ATTP đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực của cả 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp và Công Thương.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra - Bộ Y tế, công tác thanh tra ATTP đã và đang có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, lực lượng thanh tra còn mỏng nên chưa thể xử lý được các vi phạm về ATTP hiện nay. Thông qua những lớp đào tạo này, thanh tra viên tại các địa phương sẽ được nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra chuyên ngành và quản lý tốt lĩnh vực ATTP vì sức khỏe và quyền lợi của cộng đồng…


Lấy mẫu để kiểm tra  an toàn thực phẩm tại cửa hàng ăn. Ảnh: TM

Thanh tra ATTP phải dựa vào đánh giá nguy cơ

Cũng tại Lễ khai giảng, TS. Satoko Otsu, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội cho biết, việc thanh tra ATTP phải dựa vào đánh giá nguy cơ, tức là sau những lần thanh tra trước, phải có đánh giá về những yếu tố nguy cơ cao mất ATTP. Khi đó mới xác định được mục đích thanh tra trong các lần thanh tra sau. Điều này vừa tránh tình trạng thanh tra chồng chéo, vừa đảm bảo ATTP và cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Hoạt động đào tạo nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành ATTP cho các tuyến quận huyện, phường xã nhằm mục đích nâng cao năng lực thanh tra về ATTP, sau khi thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP được triển khai tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường của TP. Hà Nội và TP.HCM trong thời gian từ tháng 11/2015 đến 11/2016 mang lại hiệu quả nhất định. Hiện nay, đã có khoảng hơn 400 cán bộ được đào tạo chuyên ngành ATTP tại Hà Nội và TP.HCM.

Thông tin của Bộ Y tế, sau một năm thực hiện Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội và TP.HCM đã tiến hành triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường trên địa bàn. Kết quả cho thấy, các địa phương đã thành lập được 94 đoàn thanh tra, kiểm tra và đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 7.504 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó có 2.158 cơ sở được thanh tra (so với cùng kỳ năm 2015 không có thanh tra).

Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm 2.949 cơ sở, trong đó phạt tiền 1.294 cơ sở, với tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng... Đáng chú ý, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại (từ xếp loại C lên A, B) tăng lên rõ rệt. Trước khi thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội, có 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản xếp loại C, sau thí điểm đã có 34 cơ sở được nâng lên xếp loại A, B; tại TP. HCM, không còn cơ sở xếp loại C sau thí điểm...

Bộ Y tế đã tiếp tục đề xuất thí điểm thêm một năm với địa bàn thí điểm là tại 100% số quận (huyện, thị xã) và phường (xã, thị trấn) tại Hà Nội và TP.HCM triển khai thêm tại 3 tỉnh, thành phố khác là Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. Các tỉnh khác là Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai, Đồng Nai cũng có văn bản đề nghị được thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ở một số quận huyện, xã phường trong thời gian một năm.

Theo Hoàng Thái (suckhoedoisong.vn)

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
54
Tổng truy cập:
5793514