Tham dự Hội thảo, Về phía Bộ Y tế có PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng, ThS.Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng, Cục An toàn thực phẩm, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ Lao động – Văn hóa – Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Hiệp hội: Thực phẩm chức năng, Hội lương thực, thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Chè, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội sữa, Hiệp hội thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham), Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ như: Sao Thái Dương, Dược phẩm Tâm Bình, Cổ phần Dược quốc tế IMC, Cổ phần sữa Việt Nam (vinamlk), Trung Thành, Big C, Fivimart,…. Và đông đảo các phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí.
TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế điều hành Hội thảo
Đại diện Cục ATTP, ThS.Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng đã trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP trên tinh thần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 08/9/2017.
Cuộc họp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện cơ quan quản lý, các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà khoa học. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cũng bày tỏ mong muốn qua cuộc họp thống nhất sửa đổi Nghị định này sẽ đạt được sự hài hòa lợi ích giữa các bên: tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng đồng thời không buông lỏng công tác quản lý về ATTP và đặt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng phát biểu tại Hội thảo
Kết luận chỉ đạo tại cuộc họp, TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu cám ơn các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp, báo chí đã đến tham dự và đưa tin. Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo trên tinh thần kiến nghị của các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của Nghị định mà không trái với quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tế, theo đó Dự thảo Nghị định sẽ chỉnh sửa tập trung theo hướng như sau:
- Về vấn đề công bố hợp quy: chia thành 2 nhóm sản phẩm:
+ Đối với sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm thì doanh nghiệp tự công bố và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước. Sau 7 ngày nếu cơ quan quản lý nhà nước không có ý kiến thì doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu không đồng ý với bản tự công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến bằng văn bản và doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh theo đúng yêu cầu sửa đổi, bổ sung của cơ quan tiếp nhận.
+ Đối với nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm công bố có tác dụng đến sức khỏe do tính chất đặc thù của sản phẩm, đây là những sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đề xuất cần kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố thì trong vòng 30 ngày làm việc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét hồ sơ và các nội dung ghi nhãn của sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật về ghi nhãn, trong trường hợp cần thiết sẽ thành lập Hội đồng thẩm định để đánh giá.
- Về vấn đề phân cấp quản lý: Bộ Y tế đã chỉnh sửa dự thảo theo hướng phân cấp triệt để cho địa phương, theo đó, tất cả những sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm kể cả thực phẩm nhập khẩu sẽ do Sở Y tế quản lý. Bộ Y tế chỉ quản lý công tác tiếp nhận hồ sơ đối với các sản phẩm đặc thù như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm có công bố tác dụng liên quan đến sức khỏe.
ThS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP
- Về vấn đề kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu: thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế đã bổ sung thêm trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP khi doanh nghiệp áp dụng phương thức kiểm tra giảm sau 3 lần liên tiếp mà đạt. Đồng thời cũng bổ sung thêm trường hợp áp dụng kiểm tra giảm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 22000 hoặc GMP. Ngoài ra, đối với lô hàng thưc phẩm hỗn hợp nhập khẩu mà có đối tượng thuộc diện phải kiểm dịch thực vật thì giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Đồng thời, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng đề nghị các đơn vị nếu còn có ý kiến góp ý thì sớm gửi về Cục ATTP, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét và tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan quản lý để hoàn thiện dự thảo Nghị định trong thời gian sớm nhất.
Theo VFA