Bộ Y tế đề nghị nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao hơn (10/03/2017)

Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi sáng 3/3/2017 tại Hà Nội.

Cuộc họp còn có sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch, cùng các tổ chức quốc tế WHO, FAO, CDC.


Quang cảnh cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Cục phó Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết: từ tháng 10/2016 tới nay dịch cúm A(H7N9) có dấu hiệu tăng mạnh tại Trung Quốc tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 460 ca mắc tại 14 tỉnh, thành phố. Riêng 2 tháng đầu 2017 ghi nhận 449 ca mắc, trong đó 96 ca tử vong. Trong vòng 1 tuần (từ ngày 15 đến ngày 22/02) ghi nhận 56 trường hợp mắc mới tập trung ở tỉnh Hồ Bắc (11), Giang Tô (9), Chiết Giang (8), Quảng Đông (7), An Huy (4), Phúc Kiến (4),…. và chưa có xu hướng giảm. Đáng chú ý là ngày 04/02/2017, Đài Loan đã công bố 01 ca nhiễm cúm A(H7N9) sau khi trở về từ Quảng Đông và đã tử vong.

Ngoài ra, trước đó còn có 1 trường hợp người Malaysia và 2 trường hợp người Canada nhiễm cúm A(H7N9) nhưng đều có tiền sử đi về từ các vùng có dịch của Trung Quốc, điều này cho thấy dịch đã có dấu hiệu lây lan ra ngoài Trung Quốc.  Dịch cúm A(H7N9) chủ yếu tập trung tại phía Nam Trung Quốc trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Tây hiện nay đang xảy ra dịch.

Đây là 2 tỉnh có chung biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Việt Nam là quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Từ năm 2013 đến nay thế giới ghi nhận 1.258 trường hợp mắc, 435 trường hợp tử vong do cúm A(H7N9).

Tại cuộc họp đại diện Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, mặc dù có sự biến đổi về gen của chủng virus nhưng qua đặc điểm dịch tễ cho thấy, phần lớn những người nhiễm bệnh đều có tiếp xúc với gia cầm ốm và chết. Nên WHO kết luận nguy cơ lây lan từ người sang người rất thấp. WHO khuyến cáo cần tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho khách du lịch đến vùng có dịch về triệu chứng của H7N9, đồng thời cảnh báo người dân, đặc biệt những người ở khu vực biên giới thực hiện các biện pháp vệ sinh, tuân thủ tiêu thụ gia cầm tránh để bị nhiễm bệnh.

Đối với công tác giám sát cúm H7N9 trên gia cầm theo FAO cần tăng cường công tác tuyên truyền tới các hộ nuôi gia cầm, thủy cầm về công tác vệ sinh chuồng trại, đảm bảo công tác vệ sinh chuồng trại để tránh dịch bệnh lây lan. Cùng quan điểm đó, đại diện tổ chức CDC cũng cho rằng: Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng, tăng cường giám sát dịch để công tác phòng, chống dịch được tốt hơn.

Theo Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2017, công tác giám sát bệnh đã được tiến hành mạnh nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với H7N9. Đến nay viện đã thực hiện giám sát chủ động với những người chăn nuôi, các đối tượng giết mổ gia cầm, buôn bán ở chợ ở một số tỉnh biên giới giáp Trung Quốc. Đối với công tác điều trị Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện từ trung ương đến tỉnh, huyện sẵn sàng nhân lực và vật tư để tiếp nhận người bệnh nếu dịch xảy ra, đồng thời có phương án đối phó với mọi tình huống.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị nâng mức  cảnh báo dịch lên mức cao hơn, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, quyết liệt, triệt để ngăn ngừa gia cầm nhập lậu cũng như xử lý thật nghiêm việc nhập lậu gia cầm; Thứ trưởng cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội, Cục Thú y Bộ Nông nghiệp cần tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tại các chợ đầu mối gia cầm; tăng cường mở rộng giám sát tại các tỉnh có đường biên giáp với Trung Quốc; tăng cường giám sát thông tin có thể áp dụng trở lại tờ khai y tế tại cửa khẩu, nhất là với những khách đến từ Trung Quốc; đối với công tác truyền thông, cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân không nên ăn tiết canh ngan, vịt, không buôn bán gia cầm sống không được kiểm soát; đối với điều trị cần chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng công tác điều trị khi xảy ra dịch; các đơn vị hậu cần chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, kinh phí, cũng như thiết bị máy móc cho công tác phòng chống dịch; để phòng chống dịch hiệu quả, Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ/Ngành họp với Ban chỉ đạo và đoàn giám sát với các địa phương, tổ chức diễn tập phòng chống dịch tại các địa phương; hiện nay chưa có khuyến cáo người dân đi lại từ các vùng có dịch, tuy nhiên đối với khách du lịch cần cân nhắc trước khi đến vùng có dịch_ Thứ trưởng nhấn mạnh.

Virus cúm AH7N9 không có biểu hiện trên gia cầm nên khả năng lây lan dịch bệnh rất cao, bên cạnh đó nó lại là chủng virus lây từ gia cầm sống sang người nên nguy cơ vào Việt Nam gây dịch là rất lớn. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy chủng virus cúm A H7N9 lây từ người sang người. Vì thế nếu làm tốt công tác phòng dịch ở cửa khẩu, quyết liệt ngăn chặn cúm gia cầm vào Việt Nam qua đường nhập lậu thì sẽ không có dịch bệnh trên người. Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm H7N9.

Nguồn: moh.gov.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
54
Tổng truy cập:
5793514