Tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2017 (03/03/2017)

Tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2017

Trước và trong Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) đã được các cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã góp phần phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh và an toàn.

Hiện nay đang là cao điểm của Lễ hội Xuân 2017 và cưới hỏi, nguy cơ mất ATTP và xảy ra sự cố ATTP rất cao đặc biệt là ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn đông người của lễ hội, đám cưới/đám giỗ, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, NĐTP do nấm độc, cây rừng. Tình trạng ô nhiễm thực phẩm do kinh doanh thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc, nhập lậu, không an toàn, không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn có khả năng tăng cao.

Thực hiện Công điện của thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, để chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP có hiệu quả trong mùa Lễ hội Xuân 2017, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND và các cơ quan chức năng các cấp tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung sau:

1. Tiếp tục tổ chức triển khai đầy đủ, đồng bộ các nội dung của Kế hoạch số 1244/KH - BCĐTƯVSATTP ngày 16/12/2016 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm về triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội Xuân 2017 trên địa bàn quản lý.

2. Ủy ban nhân dân, Ban tổ chức Lễ hội địa phương quy hoạch địa điểm, bố trí nguồn nước sạch, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải bảo đảm an toàn phục vụ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội.

3. Triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đặc biệt là không uống rượu không có nguồn gốc xuất xứ, không uống rượu của các cơ sở nấu rượu không có giấy phép, không đảm bảo kỹ thuật. Tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

4. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, rộng khắp công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở sản xuất rượu, tập trung vào các cơ sở nấu rượu thủ công, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm, chất độc trong rượu.

5. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung trên địa bàn quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (thuộc đối tượng phải cấp). Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

6. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn, cơ sở nấu rượu có tồn dư chất gây hại. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo về Bộ Y tế  (Cục An toàn thực phẩm).

Theo VFA

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
52
Tổng truy cập:
5793514