Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Trần Văn Lườm, Phó Giám đốc Sở Y tế, đại diện văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp cùng 71 chủ cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 71 cơ sở sản xuất nước đá đang hoạt động, mỗi ngày các cơ sở này cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn nước đá.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp, trong năm 2015 kết quả thanh, kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nước đá có 11/47 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh (chiếm 23.4%). Trong khi đó kết quả lấy mẫu giám sát ô nhiễm tại các đại lý, địa điểm kinh doanh có 12/20 không đạt chỉ tiêu vi sinh (chiếm 60%).
Kết quả này cho thấy mẫu nước đá lấy tại các cơ sở sản xuất có tỷ lệ ô nhiễm thấp hơn các mẫu giám sát tại các điểm kinh doanh, đại lý phân phối do quá trình vận chuyển nước đá từ cơ sở sản xuất tới các điểm kinh doanh, phân phối chưa đảm bảo vệ sinh nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nước đá.
Ông Phạm Văn Phước, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp nêu lên thực trạng các cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn tỉnh hiện nay, những kháo khăn, hạn chế của các cơ sở… Đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá nghiêm túc tuân thủ các quy định kỹ thuật và thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm như đầu tư đủ các trang thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh khu vực sản xuất, hồ chứa nước nguyên liệu phải làm bằng vật liệu không thôi nhiễm, thực hiện bao gói cho sản phẩm nước đá dùng liền theo quy định…
Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp sôi nổi và sự thống cao hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của các chủ cơ sở, từ đó tạo nên một chuyển biến mạnh mẽ trong việc đảm bảo An toàn thực phẩm đối với sản phẩm nước đá dùng liền trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian sắp tới.
Theo Chi cục ATVSTP Đồng Tháp