Diễn đàn chính sách an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp. Ảnh: VGP/Lê Anh
|
Đây là nhận định của các đại biểu khi tham dự “Diễn đàn chính sách an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” diễn ra từ ngày 21-22/9 tại TPHCM do Văn phòng Quốc hội và Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức.
Theo đánh giá của các đại biểu, hiện nay việc vi phạm quy định bảo đảm ATTP đã diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh rau củ; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sữa, bánh kẹo…
Các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm đã gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe của người dân, cụ thể là: Gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc gây ra các bệnh mãn tính (rối loạn chuyển hóa chất của cơ thể, bệnh tim mạch, bệnh ung thư…).
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150-200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000-7.000 người là nạn nhân. Năm 2015, toàn quốc ghi nhận 179 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.552 người mắc, 23 trường hợp tử vong; Trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc có 68 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.080 người mắc.
Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang đặt nước ta vào bối cảnh chịu những thách thức lớn về rào cản kỹ thuật (TBT) và các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) trong an toàn thực phẩm. Các biện pháp về rào cản kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ của Việt Nam chưa tốt có thể dẫn tới tình trạng Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, không bảo đảm an toàn thực phẩm… Mặt khác, các sản phẩm thực phẩm của nước ta cũng gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường các nước vì các rào cản phi thuế quan này.
Theo PGS. TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vấn đề ATTP không bảo đảm có nhiều nguyên nhân, nhưng có một số nguyên nhân chính là sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ (gần 10 triệu hộ nông dân sản xuất thực phẩm; 500.000 cơ sở chế biến trong đó 85% có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP).
Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm ATTP của một số cơ sở, cá nhân còn hạn chế. Nhất là việc sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong trồng rau quả, dùng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh mục, hay kinh doanh thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ....
Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thật sự vào cuộc với công tác ATTP. Lực lượng cán bộ quản lý ATTP còn thiếu cả ở Trung ương và địa phương; lực lượng thanh tra còn quá mỏng. Việc xử lý các vi phạm còn chưa kiên quyết, đặc biệt tại tuyến xã, phường chủ yếu là hình thức nhắc nhở.
Đồng bộ các chính sách trong quản lý ATTP
Theo ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2011, khi Luật ATTP có hiệu lực, gần như tất cả các hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm đều kiểm soát an toàn theo nguyên lý nhận diện mối nguy và kiểm soát tại nơi phát sinh. Tuy nhiên, việc phân công kiểm soát an toàn thực phẩm đang được thực hiện theo kiểu chặt khúc, chồng chéo nên hiệu quả không cao.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần có những đánh giá chi tiết và cụ thể. Rà soát lại toàn bộ các văn bản về ATTP đã ban hành để loại bỏ các văn bản trái luật, chồng chéo, không thực thi, không thống nhất.
Cùng với đó cần thành lập một cơ quan đầu mối trực thuộc Chính phủ để chỉ đạo điều hành công tác ATTP, không để tình trạng 3 bộ cùng quản lý như hiện nay. Tại tuyến tỉnh, thành phố thành lập cơ quan đầu mối (có thể là Ban ATTP) trực thuộc UBND tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của cấp chính quyền tuyến quận, huyện và nhất là tuyến xã, phường. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân về sử dụng thực phẩm an toàn.
Xây dựng hệ thống thanh tra ATTP phù hợp về mạng lưới, hệ thống kỹ thuật từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm của TPHCM và Hà Nội.
Chia sẻ tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để các cơ sở sản xuất kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành những bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định cho từng loại sản phẩm, ngành hàng. Chẳng hạn như cà phê, sản phẩm hữu cơ... Đồng thời có chế tài, xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở, cá nhân vi phạm.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, mặc dù các cơ quan, ban, ngành đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc bảo đảm vệ sinh ATTP tại Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập, gây ra nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng, xã hội. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Nghị quyết về việc Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016.
Nguồn baochinhphu.vn