Nâng tầm nông sản bằng mô hình chuỗi an toàn thực phẩm (25/03/2014)

Sản phẩm nông sản thiếu an toàn từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh, nhức nhối tại thị trường nội địa cũng như XK. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn tạo dựng uy tín, tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường cả trong và ngoài nước, mấu chốt là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm (ATTP).

Đóng gói nông sản XK
 
Manh mún chuỗi nông sản ATTP
 
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NNPTNT cho biết: Một sản phẩm muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, điều cốt yếu là phải nâng cao chất lượng. Do đó, hướng phát triển bền vững cho các mặt hàng nông sản Việt Nam chính là đảm bảo quy trình ATTP trong từng công đoạn, liên kết tạo thành một chuỗi thực phẩm an toàn.
 
Cung ứng chuỗi ATTP không phải là mới. Trong thực tiễn, đã có nhiều mô hình được triển khai bằng nguồn tài trợ quốc tế và ngân sách Nhà nước nhưng vẫn còn đơn lẻ, chưa được nhân rộng với quy mô lớn.
 
Liên quan tới vấn đề này, Bà Cao Minh Huệ - Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: Riêng đối với mặt hàng rau, tính đến năm 2012, cả nước có khoảng 31.600 ha sản xuất rau an toàn (RAT), chiếm 26,3% tổng diện tích trồng rau chuyên canh. Điều đáng nói là, thực trạng  sơ chế, bảo quản RAT vẫn mang tính thủ công với phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu, tỷ lệ tổn thất cao (khoảng 25-30%).
 
Hầu như không có nhà xưởng riêng dành cho sơ chế, xử lý, bao gói và bảo quản rau tươi, thiếu dụng cụ chứa sản phẩm bảo đảm chắc chắn và hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, người lao động thiếu kiến thức về công nghệ bảo quản và vệ sinh ATTP. Đa số người trồng rau vẫn tự tìm nơi tiêu thụ, RAT được bán tại rất ít các điểm chuyên kinh doanh RAT. Trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có khoảng 60 cửa hàng, 35 siêu thị, 72 điểm phân phối RAT ở các khu dân cư.
 
Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2 (Nafiqad): Việc nhiều mô hình sản xuất sản phẩm nông sản theo chuỗi  ATTP còn đơn lẻ, chưa được nhân rộng xuất phát từ nhiều nguyên do. Đó là, lợi ích về sản xuất sản phẩm an toàn chưa rõ ràng, chưa tạo động lực cho nhà sản xuất. Cơ chế chính sách cho sản xuất nông sản thực phẩm để tạo động lực phát triển còn hạn chế.
 
Nhiều trường hợp vi phạm, sản xuất thực phẩm bẩn chưa bị xử phạt nghiêm, thông tin vi phạm chưa được công khai khiến cho tính răn đe các cơ sở sai phạm còn yếu. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chi tiền cho sản xuất nông nghiệp mang nhiều rủi ro, chi phí lớn, quay vòng vốn chậm nên không mấy mặn mà. “Đặc biệt là tình trạng các hộ sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế.
 
Thiếu liên kết hoặc liên kết chưa bền vững giữa các nhà sản xuất với phân phối và tiêu thụ. Cùng với đó là sự khác biệt giữa các dấu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết giữa sản phẩm đã được kiểm soát và sản phẩm chưa được kiểm soát còn chưa nhiều”, ông Thuận nhấn mạnh.
 
Tăng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ
 
Theo ông Tiệp, nếu không phát triển chuỗi thực phẩm an toàn thì uy tín, sức cạnh tranh sản phẩm không cao, ngay cả ở thị trường nội địa. Nafiqad kiến nghị, cần sớm ban hành Tiêu chuẩn về chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn để thống nhất triển khai. Trong đó, Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ một phần kinh phí, cơ sở vật chất ban đầu; đào tạo, tập huấn cho các cơ sở, tập trung các hộ vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài. 
 
Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh có nguồn vốn vay ổn định, kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; xây dựng mối liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi. “Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội nghị trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm. Xây dựng sàn giao dịch mua bán sản phẩm từ mô hình chuỗi, giới thiệu mạng lưới đặt hàng giao dịch mua bán, địa chỉ bán sản phẩm để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, lựa chọn sản phẩm”, ông Tiệp nói.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng các mô hình điểm sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi, ông Nguyễn Văn Doăng - Điều phối viên Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm cho rằng: Cần tổ chức thực hiện chuỗi nông sản với hoạt động được thiết kế chuỗi, trong đó, ưu tiên sản phẩm chủ lực của địa phương; liên kết giữa cơ sở sản xuất và thu gom tiêu thụ là cốt lõi; gắn kết giữa các yếu tố kỹ thuật và thương mại... Ngoài ra, cũng cần làm tốt việc sản xuất và quản lý chất lượng nông sản thực phẩm an toàn.
 
Để làm được điều này, cần khảo sát, xác định các hạng mục cần nâng cấp nhằm đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện chuỗi; tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân kết; đào tạo cho cán bộ địa phương kết hợp hướng dẫn kỹ năng tại hiện trường; đánh giá nội bộ của cơ sở kết hợp với giám sát, lấy mẫu thẩm tra của cơ quan thẩm quyền và đánh giá, chứng nhận của bên thứ ba là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công.
 
“Kết quả đánh giá chứng nhận của cơ quan thẩm quyền và bên thứ ba là cơ sở để quảng bá chất lượng ATTP và xây dựng thương hiệu của sản phẩm, làm cho người tiêu dùng thật sự tin tưởng vào uy tín của các tổ chức chứng nhận...”, ông Doăng khẳng định.

Kết quả điều tra nghiên cứu về nhận thức người tiêu dùng về chất lượng ATTP do Công ty nghiên cứu thị trường Định Hướng (FTA) thực hiện cho thấy: Có tới 99% người tiêu dùng được hỏi lựa chọn mua hàng tại chợ truyền thống vì tính thuận lợi và giá cả rẻ hơn so với các siêu thị, cửa hàng. Mặc dù vậy, người tiêu dùng thường tin tưởng tính an toàn của sản phẩm mua ở siêu thị hơn so với ở chợ. Sản phẩm được Bộ Y tế hay Cục ATTP chứng nhận là an toàn được người tiêu dùng tin tưởng cao (tới hơn 93% số người được hỏi). Những sản phẩm có đầy đủ thương hiệu, giấy chứng nhận, rõ ràng về xuất xứ nguồn gốc luôn được mua chấp thuận mức giá cao hơn từ 10-15% so với giá trung bình.
 
Uyển Như/ Báo Hải Quan

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
55
Tổng truy cập:
5799154