Trình tự, hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 382012/NĐ-CPvà Thông tư số 19/2012/TT-BYT, ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Bộ Y tế Hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cụ thể như sau:
Trình tự công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm:
1. Bước 1: Đánh giá phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
1.1. Tổ chức/ cá nhân cần đánh giá xem sản phẩm của mình có phù hợp quy định an toàn thực phẩm thông qua hoạt động sau: Tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm tại phòng kiểm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận;
1.2. Đánh giá phù hợp quy định an toàn thực phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm và theo nội dung như sau:
Đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 38/2012/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực”.
- Nội dung đánh giá phù hợp quy định an toàn thực phẩm áp dụng cho từng loại sản phẩm dựa trên các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. (ví dụ: Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 và/ hoặc các Tiêu chuẩn, các QCVN...).
- Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì việc đánh giá phù hợp được áp dụng theo quy định của Codex.
2. Bước 2: Đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
2.1.Tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm lập và nộp hồ sơ công bố theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số: 19/2012/TT-BYT và theo Thông tư liên tịch số: 13/2014/TTLT- BYT-BNNPTNT- BCT Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP.
2.2.Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm: Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật được quy định chi tiết tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 38/2012/NĐ-CP (từ đây gọi tắt là NĐ 38).
A. Hồ sơ đối với sản phẩm nhập khẩu (trừ thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng) gồm:
a) Bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, được quy định tại Mẫu số 02-NĐ 38;
b) Bản thông tin chi tiết về sản phẩm, được quy định tại Mẫu số 03a hoặc Mẫu số 03c- NĐ 38;
c) Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng, gồm các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu an toàn, do các đối tượng sau cấp: Phòng kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận (bản gốc hoặc bản sao có công chứng); hoặc Phòng kiểm nghiệm của nước xuất xứ được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thừa nhận (bản gốc hoặc bản sao có công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự).
d) Kế hoạch giám sát định kỳ (có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
e) Mẫu nhãn sản phẩm lưu hành tại nước xuất xứ và nhãn phụ bằng tiếng Việt (có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
f) Mẫu sản phẩm hoàn chỉnh đối với sản phẩm lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam để đối chiếu khi nộp hồ sơ;
g) Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
h) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở nhập khẩu thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
i) Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương (bản sao có công chứng hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu).
B. Hồ sơ công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được quy định tại điều 7 Nghị định 38/2012/NĐ-CP, đóng quyển như sau:
a) Hồ sơ pháp lý chung, được lập thành 01 quyển, bao gồm:
- Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
- Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương (bản sao có công chứng hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu).
b) Hồ sơ công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được lập thành 02 quyển, bao gồm các hồ sơ như quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 -NĐ 38.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nộp trực tiếp hồ sơ công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 19/2012/TT-BYT và theo Thông tư liên tịch số: 13 /2014/TTLT- BYT-BNNPTNT- BCT phân công quản lý nhà nước về ATTP giữa 03 Bộ: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương).
Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiến hành công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm từ sản phẩm thứ hai trở lên chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ pháp lý chung.
>>> Xem thêm: Điều kiện sản phẩm thực phẩm đã có Quy chuẩn kỹ thuật được phép lưu hành tại Việt Nam