Sản xuất sản phẩm an toàn thực phẩm theo chuỗi - Bắt đầu từ sản phẩm của ong mật (12/08/2014)

 (fsi.org.vn) Sáng ngày 20/6/2014 tại Viện an toàn thực phẩm (FSI) đã diễn ra buổi họp Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm (BeePs) từ ong mật Apis mellifera

“Sản phẩm là nguyên liệu đầu vào được khai thác từ các đàn ong mật nuôi theo qui trình VietGAP, được công bố tiêu chuẩn cơ sở. Sản phẩm đầu ra được sản xuất ở cơ sở đủ điều kiện ATTP và được công bố phù hợp quy định về ATTP. Hai mục tiêu này là cơ sở và phương pháp luận dự án”

Mở đầu buổi họp, bà Nguyễn Hồng Điệp phát biểu khai mạc chương trình và giới thiệu thành phần Hội đồng khoa học. Hội đồng khoa học là những giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đã và đang công tác tại Bộ Y Tế và Bộ NN&PTNT.

Bà Nguyễn Hồng Điệp phát biểu khai mạc chương trình

Danh sách hội đồng khoa học

BS.Ths.Chu Quốc Lập, Nguyên Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế: Chủ tịch hội đồng

Ths.Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm: thành viên

TS. Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi Bộ NN&PTNT: thành viên

TS.Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng ngộ độc, Cục An toàn Thực phẩm: thành viên

PGS.TS.Tô Long Thành, GĐ Trung tâm chuẩn đoán Thú Y TW: thành viên

Ông Nguyễn Sỹ Trạm, Nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương: thành viên

Ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên trưởng phòng thanh tra pháp chế, Cục chăn nuôi: thành viên

Ths.Tô Thị Minh Hiền, Chuyên viên Phòng Công Nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hà Nội

Nguyễn Hồng Điệp, Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert: thành viên thư ký khoa học.

Chủ nhiệm dự án “Sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm (Beeps) từ ong mật Apis mellifera” TS.Lê Quang Trung – Phó Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm, trực tiếp trình bày các nội dung và những vấn đề cần giải quyết của dự án để cùng thảo luận trước Hội đồng khoa học.

 
Tiến sĩ Lê Quang Trung trình bày dự án

Nước ta có 5 loài ong mật bản địa và 1 loài ong nhập ngoại. Trong các loài ong bản địa: loài ong đá, ong khoái (ong gác kèo), ong ruồi đỏ và ong ruồi đen sống hoang dã, xây 1 bánh tổ ngoài trời nên không thuần hóa và nuôi được. Hai loài ong còn lại (ong nội Apis cerana) và ong ngoại (Apis mellifera) xây nhiều bánh tổ/đàn, làm tổ trong tối (hang đá, hốc cây) nên có thể thuần hóa, nuôi, dễ dàng khai thác và thu sản phẩm với khối lượng lớn. Liên quan đến các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của dự án, trong 2 loài này, ong nội cho đến nay chỉ có thể khai thác được mật. Trong khi ong ngoại có thể khai thác được cả mật ong, phấn ong, sữa ong chúa, nọc ong, keo ong.

Dự án xoay quanh 3 nhóm sản phẩm ong (BeePs) sẽ sản xuất bao gồm nhóm sản phẩm sữa chúa mật ong (SOM), nhóm sản phẩm ong trộn nghệ(MON), nhóm sản phẩm từ nọc ong(BiVe).

Giá trị dinh dưỡng, y học và thẩm mỹ của sản phẩm ong

Các sản phẩm sử dụng để sản xuất trong dự án gồm: mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, nọc ong, bột nghệ.

Sữa ong chúa tươi: có giá trị dinh dưỡng cao, kháng khuẩn, tăng cường miễn dịch, chống lão hóa và làm đẹp.

Nọc ong: hỗ trợ chữa các bệnh về khớp, một số loại bệnh ung thư, cắt cơn nghiện, bảo vệ thần kinh trung ương, bảo vệ gan, tăng miễn dịch

Phấn hoa tươi: cung cấp chất đạm, vitamin, chất khoáng và trợ giúp trị một số bệnh về đường tiêu hóa

Mật ong nhãn hoa: cung cấp năng lượng và có tính kháng khuẩn cao.

Mục tiêu dự án

Khai thác, phát triển, chế biến để tạo ra 3 nhóm sản phẩm chức năng từ sản phẩm tự nhiên và nguyên chất của ong mật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành ong và nâng cao sức khỏe của cộng đồng.

Nội dung của dự án

Nội dung 1: tổ chức xây dựng, chứng nhận 01 trại ong thực hành nuôi ong an toàn theo VietGAP.

Nội dung 2: thiết kế, xây dựng, lắp đặt dây chuyền SXSP.

Nội dung 3: sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nội dung 4: đăng ký chứng nhận Cơ sở sản xuất đủ điều kiện ATTP.

Tổ chức thực hiện

B1: Tư vấn, giám sát, đánh giá, chứng nhận VietGAP cho các trại nuôi ong sản xuất nguyên liệu đầu vào. Phân tích chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Thiết kế nhãn mác sản phẩm.

B2. Công bố tiêu chuẩn cơ sở, công bố  hợp qui về ATTP và Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP

B3: Quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, phân tích phản hồi của khách hàng, phân tích chi phí lợi nhuận: lập kế hoạch mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Kết thúc phần bảo vệ đề tài, ông Lê Quang Trung cảm ơn hội đồng đã lắng nghe và mong muốn nhận được những góp ý quý báu của hội đồng khoa học.

Hội đồng khoa học đưa ra những ý kiến góp ý

TS.Nguyễn Xuân Dương (Phó cục trưởng Cục chăn nuôi Bộ NN&PTNT): tính pháp lý khi đăng ký sản phẩm thì bằng sáng chế thuộc về ai?

 
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương nhận xét và góp ý cho dự án

Ông Nguyễn Sỹ Trạm (Nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương) cần xây dựng rõ quy trình phối chế, các cơ sở nghiên cứu, phối chế. Cần hoàn thiện tiêu chuẩn cho sản phẩm, các chỉ tiêu quan trọng cần đăng ký bản quyền.


Ông Nguyễn Sỹ Trạm nhận xét và góp ý cho dự án

Ths.Tô Minh Hiền (Chuyên viên Phòng Công Nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hà Nội) cần làm rõ quy trình, các sản phẩm tiêu chuẩn. Quyền sở hữu 100% vốn công ty, vậy chủ sở hữu sẽ phải thuộc về công ty. Cần phải có giải trình tài chính rõ ràng.

 
Ths.Tô Minh Hiền nhận xét và góp ý cho dự án

TS. Lâm Quốc Hùng (Trường phòng ngộ độc, Cục an toàn thực phẩm) nội dung chưa thỏa mãn nhu cầu của dự án.

·         Các chỉ tiêu đánh giá của dự án là gì? Mức độ hoàn thành.

·         Hoạch định về kế hoạch hoạt động rõ hơn

·         Cần có nghiên cứu khoa học về sản phẩm

·         Cần xây dựng thương hiệu, bản quyền sản phẩm

·         Cần công khai minh bạch về thành phần, các chỉ tiêu chất lượng

·         Nên tập trung vào 1 vài sản phẩm (sản phẩm đơn thì dễ, các sản phẩm phối chế cần xem xét kỹ, khó cạnh tranh)

 
TS.Lâm Quốc Hùng nhận xét và góp ý cho dự án

Ths.Lê Văn Giang (Phó Cục trưởng cục An toàn Thực phẩm) đồng tình với dự án nhưng chủ dự án cần lưu ý một số điểm sau :

·         Đối với các sản phẩm phối hợp giữa sản phẩm từ ong và các sản phẩm khác: cần xem xét kỹ hơn, xác định rõ sản phẩm là “thực phẩm”, “thực phẩm chức năng” hay là “thuốc” từ đó đưa ra các thông tin chính xác hơn về công dụng của sản phẩm cũng như các căn cứ khoa học, thử nghiệm đối với sản phẩm đó.

·         Cần phải lưu ý các thủ tục pháp lý để đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường.

 
Ths.Lê Văn Giang nhận xét và góp ý dự án

Ông Nguyễn Văn Thanh (Nguyên trưởng phòng thanh tra pháp chế Cục chăn nuôi) mục tiêu mà đề án đề cập có tính khoa học và tính thực tiễn.Trong 7 sản phẩm mà dự án đưa ra, ông tâm đắc  với 3 sản phẩm được chế biến từ nọc ong – đây là đặc tính mới của dự án nên cần tâp trung và ưu tiên những lợi thế và tiềm năng của sản phẩm. Ông ủng hộ với những mục tiêu và nội dung mà đề án đưa ra là hướng tới tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Một số kiến nghị của ông về dự án

·         Trong khuôn khổ của dự án nên tập trung vào 3 loại sản phẩm chế biến từ nọc ong, đó là lợi thế phát triển

·         Nên tận dụng các điều kiện vốn có của ngành ong hiện nay để triển khai các nội dung và mục tiêu mà dự án đặt ra, nâng cao giá trị kinh tế của dự án

·         Dự án khá chi tiết, tỉ mỉ nhưng nếu được nên tách ra những phần phục vụ cho đề tài và lượng hóa cho việc sản xuất, kinh doanh.

BS.Ths.Chu Quốc Lập (Nguyên Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế) chủ tịch hội đồng khoa học thay mặt hội đồng tập hợp ý kiến và nhận xét về dự án. Về cơ bản hội đồng khoa học và công nghệ ủng hộ với dự án và hội đồng đánh giá vấn đề công nghệ từ nước ngoài có thể áp dụng được. Bên cạnh đó có những nhược điểm cần phải khắc phục như nội dung dự án chưa đầy đủ, xúc tích, rõ ràng. Dự án cần có tiêu chuẩn cơ sở, cần có bằng chứng khoa học về công dụng. Các sản phẩm thuộc cục quản lý dược nên làm rõ sản phẩm nào có thể thực hiện được.

Thay mặt hội đồng, ông Chu Quốc Lập kết luận trong Biên bản họp Hội đồng

Hội đồng thống nhất thực hiện dự án tuy nhiên dự án cần:

·         Cụ thể hóa các tiêu chuẩn cho sản phẩm, lập tiêu chuẩn cơ sở cho từng sản phẩm

·         Đưa ra dự kiến về giá thành, các vấn đề tài chính

·         Xác định cụ thể cho từng sản phẩm là “thực phẩm”, “thực phẩm chức năng” hay “thuốc” để đưa ra công dụng cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu pháp luật cũng như các bằng chứng khoa học cụ thể và công bố theo luật định.

BS.Ths.Chu Quốc Lập tổng hợp ý kiến của thành viên và kết luận chung

Cùng với những ý kiến đóng góp quí báu và đánh giá chân thành của hội đồng khoa học và công nghệ, Viện An toàn Thực phẩm sẽ quyết tâm thực hiện thành công dự án “Sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm (BeePs) từ ong mật Aplis mellifera” . Đây là dự án đầu tiên của Viện để đưa ra thị trường những sản phẩm được sản xuất đảm bảo ATTP theo chuỗi. Các sản phẩm này có giá trị cao vì Hạnh phúc, Sức khỏe và Sắc đẹp của người tiêu dùng.

Văn Hưng IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
21
Tổng truy cập:
5790054