Hơn 40 doanh nghiệp tham gia khóa tập huấn Nghị định 15/2018/NĐ-CP do FSI tổ chức (19/05/2018)

Nhận thấy việc nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn vướng mắc trong triển khai áp dụng Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 17/05/2018, Viện An toàn thực phẩm (FSI) thuộc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert phối hợp cùng các chuyên gia lĩnh vực ATTP đã tổ chức khóa tập huấn về những nội dung của Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho hơn 40 học viên, là đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.


Quang cảnh khóa tập huấn

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ThS.BS. Chu Quốc Lập, Phó Viện trưởng Viện ATTP (FSI) cho biết: Thực hiện lộ trình cải cách thủ tục hành chính, ngày 02/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15) thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (Nghị định 38) Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Đây là cuộc cách mạng trong quản lý ATTP khi thay đổi cơ bản về phương thức quản lý chuyển từ ”tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, quản lý rủi ro, quản lý nguy cơ theo phương thức quản lý chung của thế giới.

Nghị định 15 đã “cởi trói” cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp về quản lý ATTP. Những thay đổi và cải cách trong Nghị định góp phần tiết kiệm rất nhiều công sức, chi phí, giúp giảm giá thành đem lại lợi ích cho người tiêu dùng…

Tuy nhiên sau gần 3 tháng có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nắm rõ những quy định về trình tự, thủ tục nêu trong Nghị định, gây khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh các sản phẩm thực phẩm.

“Giúp các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị định 15 vào hoạt động của doanh nghiệp chính là mục đích của khóa tập huấn”, Ths.BS Chu Quốc Lập nhấn mạnh.

Bước vào triển khai nội dung trên, chuyên gia Trương Thị Thúy Thu, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo (Cục ATTP-Bộ Y tế) đã sơ lược giới thiệu về thực trạng quản lý ATTP tại Việt Nam và một số nước trên thế giới; giới thiệu những điểm mới và nội dung cơ bản của Nghị định 15.

Nghị định 15 gồm 13 Chương, 44 Điều, với 11 nội dung chính được điều chỉnh so với Nghị định 38. Đây là một trong rất ít các Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký (ngày 2/2/2018) và điều đó thể hiện quyết tâm cao độ của Chính phủ cũng như Bộ Y tế trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.


Khóa tập huấn nhận được sự quan tâm, đăng ký tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm 

Với những thay đổi đó, chuyên gia Thu đã giải thích thấu đáo về những quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục tự công bố sản phẩm; thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; bảo đảm ATTP biến đổi gen; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu, xuất khẩu; ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm;…

Một trong những nội dung cũng được các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đặc biệt quan tâm là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm. Theo đó, “thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố”.

Khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chỉ cần “nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền”.

Cũng theo chuyên gia Thu, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng và an toàn của sản phẩm đó.


BS. Nguyễn Văn Dũng trình bày những thay đổi liên quan đến Hồ sơ công bố của doanh nghiệp

Liên quan đến những thay đổi về hồ sơ công bố được quy định tại Nghị định 15, BS. Nguyễn Văn Dũng, nguyên Trưởng phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm (Cục ATTP-Bộ Y tế) đã trình bày chi tiết các quy định của Nghị định 15 liên quan đến việc kê khai lập hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm sản xuất trong nước; sản phẩm thực phẩm nhập khẩu; sản phẩm là thực phẩm chức năng; các nội dung cần công bố;…


Các doanh nghiệp đưa ra câu hỏi tại buổi tập huấn

Buổi tập huấn còn dành phần lớn thời gian để thảo luận và giải đáp các câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp: Quy định về cỡ chữ ghi nhãn và việc công bố chất lượng sản phẩm được sản xuất tại 2 địa điểm khác nhau; quy định về ghi nhãn đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu; bản tự công bố sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì có phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở không? một nhà máy đã đạt GMP về sản xuất thuốc thì có đồng nghĩa với đạt GMP về sản xuất thực phẩm chức năng hay không? sản phẩm thực phẩm chức năng đã công bố thì phải xuất trình những giấy tờ nào với cơ quan hậu kiểm về nguồn gốc nguyên liệu? có phải công bố chất lượng các nguyên liệu và phụ gia sử dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng hay không?...


Chuyên gia Trương Thị Thúy Thu trả lời các câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp

Các câu hỏi đã được chuyên gia Nguyễn Văn Dũng và chuyên gia Trương Thị Thúy Thu giải đáp thấu đáo, đưa ra dẫn chứng cụ thể quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan. Các chuyên gia cũng đưa ra những ví dụ thực tiễn để doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về những yêu cầu của Nghị định 15, từ đó có thể áp dụng đúng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm tại doanh nghiệp.

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
21
Tổng truy cập:
5790054