Nguy cơ mất ATTP từ dịch vụ nấu ăn lưu động (19/01/2018)

Cứ vào dịp cuối năm, dịch vụ nấu ăn lưu động lại được nhiều người dân miền Trung lựa chọn khi tổ chức tiệc cưới, tất niên… tại nhà do tiện lợi và tiết kiệm được nhiều thời gian, tuy nhiên, loại hình dịch vụ này đang gây nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa.

Mới đây, ngày 26/11, tại Tổ dân phố 5 và 6, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, có 24 người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn tiệc cưới tại một gia đình ở tổ dân phố 6, phường Đoàn Kết.

Trước đó, gia đình tổ chức tiệc cưới có thuê dịch vụ nấu ăn lưu động ở thôn 9, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) với quy mô 700 người.

Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đột xuất cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động cung cấp tiệc cưới trên và phát hiện khu nhà bếp của cơ sở này không đảm bảo yêu cầu, nguồn nước để nấu ăn không được kiểm nghiệm, cơ sở thực hiện lưu mẫu thực phẩm sai quy định, trong mẫu dê tái chanh lưu tại cơ sở có nhiễm khuẩn E.coli.

Riêng trong tháng 10/2017, qua giám sát tại 96 cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, Chi cục tỉnh Đắk Lắk phát hiện có 93 cơ sở chưa đảm bảo các điệu kiện ATTP như chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chưa thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm theo quy định.

Tại Ninh Thuận, Quảng Ngãi… dịch vụ ấu ăn lưu động cũng được nhiều người dân sử dụng do tính tiện lợi và không tốn nhiều thời gian. Trong đó, tại Ninh Thuận hiện có khoảng 40 cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, tuy nhiên hầu hết các cơ sở đều chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.


Nhiều người nhập viện sau ăn đám cưới ở Đăk Lắk. Ảnh: Vietnamnet.vn

Do đặc thù của dịch vụ nấu ăn lưu động là không có địa điểm cố định, các cơ sở này thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức đám tiệc, trong quá trình vận chuyển thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn do thực phẩm sống chín để lẫn lộn, dụng cụ bảo quản không đảm bảo vệ sinh và không được che đậy kín.

Ngoài ra, nấu ăn lưu động là loại hình bếp ăn tập thể, phục vụ nhiều người cùng một lúc nên rất khó tránh khỏi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể.

Ông Phạm Trọng Hoàng Vũ, Chi cục Trưởng Chi cục VSATTP tỉnh Ninh Thuận cho biết, với sự phát triển ngày càng rầm rộ, cùng những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, vấn đề ATTP ở các cơ sở dịch vụ nấu ăn di động đang được ngành y tế hết sức quan tâm. Chi cục tỉnh sẽ siết chặt công tác quản lý đối với loại hình dịch vụ này, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử phạt những cơ sở vi phạm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm không chỉ lựa chọn các cơ sở dịch vụ chất lượng, có uy tín, mà còn tích cực giám sát, phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng thanh tra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các cơ sở dịch vụ ăn uống lưu động cũng phải được kiểm soát an toàn thực phẩm và phải chấp hành các quy định về điều kiện sản xuất chế biến thực phẩm theo Thông tư 15 và 16 năm 2012 của Bộ Y tế.

Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm chỉ đạo UBND các cấp phải tập trung kiểm tra, kiểm soát các cơ sở hoạt động dịch vụ nấu ăn lưu động, đồng thời tuyên truyền tới các cơ sở này cũng như người tiêu dùng về cách lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.

Theo Hiền Minh/VFA

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
50
Tổng truy cập:
5796567