Minh chứng về kiến thức an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sơ kinh doanh, sản xuất thực phẩm. Thông tư 15/2012/BYT của Bộ Y tế Quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, có đề cập đến vai trò của việc nâng cao kiến thức đối với doanh nghiệp: « Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định “. Đây là điều kiện bắt buộc đối với một cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm khi cần có ý thức cũng như những kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm trước khi đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.
Tiếp nối thông tư 15/2012/BYT là thông tư liên tịch 13/ 2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT khi quy định vai trò của từng bộ ngành trong việc xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của các cá nhân, tổ chức thuộc các ngành nghề liên quan. Thông tư 13 đã đề cập đến Quy định về nội dung bộ câu hỏi đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm phải bao gồm “Các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; các mối nguy an toàn thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm; phương pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hành tốt an toàn thực phẩm“. Có thể thấy yêu cầu về tính toàn diện về nội dung chi tiết của nhà nước đối với bộ câu hỏi nay, qua đó thể hiện tầm quan trọng của nó trong việc nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cũng như ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với những sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, thông tư 13 cũng quy định trách nhiệm xây dựng quy trình, nội dung cụ thể, trách nhiệm bao hành những tài liệu này đối với từng bộ ngành. Có thể nói, thông tư 13 chính là bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một quy trình mới trong việc đảm bảo kiến thức của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp, cá nhân cần tự nâng cao năng lực, kiến thức an toàn thực phẩm của mình về các lĩnh vực như quản lý hệ thống an toàn thực phẩm ISO22000, HACCP, TCVN 5603, các tiêu chuẩn cần thiết mà thế giới đang áp dụng như HACCP code 2003, BRC, Global GAP… để có thể tự tin đón nhận các yêu cầu mới của pháp luật cũng như đương đầu với các thách thức, tận dụng cơ hội khi Việt Nam mở cửa thị trường với toàn thế giới.